Mình làm gì khi làm Instructional Designer?
Các bước làm việc và những điều mình ưu tiên khi thiết kế tiến trình học tập
Mình là một Instructional Designer (ID), tạm dịch là người thiết kế tiến trình học tập. Đây là lĩnh vực đầu tiên mà mình nhận là mình có chuyên môn sau quá trình vừa học vừa hành liên tục từ cuối năm 2022 đến nay.
Qua quá trình làm việc, mình thấy rằng các bên (nhà tuyển dụng, giảng viên, đối tác,…) thường có những hình dung khác nhau về công việc nào thuộc phạm vi của ID, những vấn đề mà ID có thể giải quyết,… Lý do cho điều này có lẽ là vì nghề ID vẫn còn mới ở Việt Nam. Chưa kể mỗi ID lại có phong cách riêng và những điểm tập trung khác nhau (mà họ cho là quan trọng), từ đó chương trình học được thiết kế ra cũng mang màu sắc khác nhau. Vì vậy, mình muốn làm rõ về những điều mà mình sẽ làm, cũng như điều mình có thể giúp bạn khi là một Instructional Designer.
1, Về phạm vi công việc
Cần có 3 vai trò để tạo ra 1 chương trình học: Subject Matter Expert (SME). Instructional Designer (ID), Facilitator
SME - chuyên gia về nội dung: Là người cung cấp kiến thức và kỹ năng chuyên môn theo chủ đề và mục tiêu của lớp học.
ID: Người đảm bảo nội dung học tập SME đưa ra đáp ứng đúng nhu cầu của học viên và thiết kế tiến trình học tập để học viên tiếp thu nội dung một cách hiệu quả. Tiến trình làm việc của ID bao gồm:
1, Phân tích chân dung học viên: bối cảnh, trình độ, khó khăn, mong muốn, niềm tin/quan điểm
2, Thảo luận và đặt câu hỏi cho SME để xác định mục tiêu học tập và các nội dung học phù hợp với mục tiêu đó
3, Thiết kế các hoạt động học tập và học liệu, đánh giá kết quả đầu ra
Facilitator: Người điều phối lớp học - là người chuyển tải (deliver) bản thiết kế chương trình trên giấy của ID thành khóa học thực tế, giúp tạo ra môi trường học tập tích cực và tương tác hiệu quả.
Trong nhiều trường hợp, 1 người sẽ đảm nhận cả 3 vai trò trên trong 1 chương trình học. Tuy nhiên, có thể tách ra để đảm bảo hiệu quả (do được chuyên môn hóa) và giảm tải khối lượng công việc.
2, Những vấn đề mà mình có thể giải quyết
Khóa học nặng kiến thức, gây quá tải cho học viên nhưng không biết nên cắt ở đâu. Ở chiều ngược lại, khóa học có thể đang thiếu nội dung mà học viên cần, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu học viên, gây nên tình trạng vừa thừa vừa thiếu.
SME có chuyên môn nhưng chưa biết nên sắp xếp thứ tự và cấu trúc chuyên môn đó thành các phần nội dung (module) trong khóa học như thế nào.
Học viên học xong không áp dụng được kiến thức đã học.
Học viên không tham gia tương tác/không làm bài tập về nhà.
Khóa học thuyết giảng nhiều quá, cần thêm các hoạt động.
Không có phương pháp đánh giá kết quả đầu ra.
Nếu bạn đang gặp những khó khăn này hoặc muốn thiết kế một workshop/lớp học nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, bạn có thể kết nối với mình để được hỗ trợ tư vấn hoặc đồng hành.
3, Những điều mà mình ưu tiên tập trung khi thiết kế chương trình học
Đối với mình, giá trị lớn nhất mà mình - người làm ID có thể mang lại để tối ưu một lớp học là trả lời 2 câu hỏi:
Nội dung học tập SME đưa ra đã đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của học viên hay chưa?
Tiến trình học tập đã giúp học viên tiếp thu nội dung một cách hiệu quả nhất hay chưa?
Mình muốn mô tả vai trò của mình là người “thiết kế tiến trình học tập” nhiều hơn là “thiết kế trải nghiệm học tập” dù có nhiều người dịch Instructional Designer là người thiết kế trải nghiệm. Điều đó nghĩa là, (với một lớp học kỹ năng) điều mình muốn đảm bảo đầu tiên là tính hiệu quả của lớp học - học viên giải quyết được vấn đề của họ, sau đó mới tính đến trải nghiệm của học viên thông qua các hoạt động check-in, check-out, tạo nên không gian an toàn, kết nối con người trong lớp,… Cũng vì lý do này nên mình phù hợp với việc giảng dạy cho người lớn (adult learning) hơn là trẻ em, vì người lớn thường có vấn đề rất rõ ràng cần giải quyết và có khả năng tư duy/phản tư tốt để thực hiện các hoạt động tiêu hóa thông tin.
Hiệu quả ở đây tức là học viên bỏ ra nỗ lực tư duy (chi phí) ít nhất nhưng đạt được nhiều giá trị (lợi nhuận) nhất. “Bỏ ra nỗ lực tư duy ít” không có nghĩa là cho phép học viên lười tư duy mà là khiến cho kiến thức trở nên dễ hiểu để học viên có thể tiêu hóa nhanh kiến thức đó và dùng phần năng lượng và tải tư duy dư ra để tiếp tục thu nạp những điều khác (đầu tư). Một lớp học hiệu quả có thể yêu cầu học viên xử lý rất nhiều thông tin và hoạt động liên tục nhưng họ vẫn cảm thấy đã chứ không bị quá tải.
Mình tin rằng phong cách giảng dạy hay thiết kế tiến trình học của một người phản ánh phong cách học tập của chính cá nhân đó. Một chương trình học khiến mình thấy đã là chương trình giúp học viên đạt được mục tiêu đầu ra và luôn có thứ mang về sau mỗi buổi học. Nếu không đạt mục tiêu này thì dù không gian và con người có hoạt náo, kết nối, thân thiện đến mấy thì mình cũng chưa hài lòng.
Vì mình đi học trước tiên là để học. Chuyện kết nối hay có không gian trải nghiệm là rất tốt nhưng nó sẽ là ưu tiên ở một bối cảnh khác (VD: healing circle) chứ không phải bối cảnh đào tạo - training.