Một chiếc sếp dễ cưng trông như thế nào?
7749 điều mình học được trong quá trình quan sát quản lý trực tiếp của mình.
Mình thấy manager của mình rất hay, không chia sẻ cái hay này thì uổng quá nên mình phải viết thôi. Viết một bài chắc không đủ, nên đành viết vài bài vậy. Chứ ai mà muốn. Hì.
Một vài kết quả từ khả năng lãnh đạo của sếp mà mình thấy và cảm nhận được là:
Team mình khá lớn, gần 30 người, chia thành 3 team nhỏ và một số nhân sự solo, có đủ hướng nội hướng ngoại, sôi nổi trầm tính, mỗi người mỗi khác. Mỗi quý họp team lớn có 1 lần thôi nhưng mọi người rất gắn kết với nhau, trong cả team nhỏ và team lớn.
Văn hóa của team mình rất mạnh, luôn hướng về mục tiêu chung là Customer Success, với giá trị cốt lõi là Customer-centric.
Có thành viên lúc đầu không thuộc team sếp mình nhưng khi chuyển vị trí công việc thì vẫn muốn vào team sếp. Mình là một ví dụ nè.
Các team leaders hay chia sẻ khó khăn với sếp, thi thoảng lại khen sếp.
Sếp mình dẫn dắt được mình, khiến mình thấy hài lòng khi làm việc, trong khi sếp không hề biết rõ chuyên môn của mình - thiết kế chương trình đào tạo.
Một lần ăn cơm trưa ở văn phòng, mình nhận ra là có 2 dãy bàn để tụ tập ăn trưa nhưng mọi người lại chọn dãy bàn phía trong thay vì dãy bàn phía ngoài. Mình thử hỏi một bạn intern là tại sao nhỉ, thì bạn trả lời là chắc vì ngồi đây thì gần sếp mình hơn. Mình thấy hay quá trời, vì thường thì làm sếp dễ bị nhân viên xa lánh trong các thứ ngoài công việc lắm, mọi người sẽ thấy thoải mái hơn khi không có sếp. Nhưng sếp mình lại được mọi người gần gũi, dù là trong hay ngoài công việc. Không chỉ lúc ăn uống mà có lần công ty mở giải chạy, team mình cũng rủ sếp chạy cùng.
Thôi khen thế thôi đủ rồi, để còn kể mọi người phần quan trọng hơn, đấy là mình nhận ra vài đặc điểm làm nên cái hay của sếp mình.
Thứ nhất, luôn luôn hướng tới việc tạo ra giá trị cho khách hàng
Theo mình quan sát, sếp mình không nói nhiều lắm đến việc tạo giá trị cho công ty nhưng luôn nhấn mạnh việc truyền bá Customer-centric, định hướng tất cả thành viên trong team làm mọi thứ để tạo ra giá trị cho khách hàng. Một đợt nọ, sếp mình nghe mọi người bảo vệ quý, liền phản hồi là “Anh thấy mọi người nói nhiều về kế hoạch của mình, nhưng không thấy mọi người chỉ ra được là những điều mình làm sẽ giúp ích cho khách hàng như thế nào”. Các thành viên team mình, ngoài công việc chính còn được khuyến khích làm dự án cá nhân mỗi quý để tạo giá trị gia tăng cho khách hàng và cho chính team của mình, như là: dự án giúp khách tính công tính lương dễ dàng hơn trên phần mềm, dự án làm cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ, dự án cùng học tiếng Anh trong team,...
Thứ hai, làm mọi thứ để tạo ra giá trị cho nhân viên, từ trong công việc đến ngoài công việc
Mình là đứa đề xuất dự án mới toanh là Customer Education, trong khi bản thân chưa đủ các kỹ năng cần thiết nên gặp quá trời khó khăn: từ việc dùng LMS làm sao, đến thiết kế website thế nào, liên kết LMS với Google Analytics thế nào, và cả tá vấn đề kỹ thuật mà mình không hiểu. Trong lúc mình chật vật thì sếp giúp đỡ mình rất nhiều. Điều tuyệt nhất là khi nhìn thấy mình kẹt mãi ở đâu và trễ hạn công việc là sếp xắn tay vào học cùng làm cùng chỗ đó, chứ không phải chỉ giải thích hay chỉ bảo không. Có vấn đề gì một hai ngày không giải quyết được là mình lại chạy qua bàn sếp cầu cứu.
Mình thấy sếp không có trách nhiệm phải làm cùng mình, xử lý đống vấn đề kỹ thuật cho mình, nên mình rất trân trọng việc được sếp giúp đỡ. Mình không có suy nghĩ “sếp bận lắm” hay “sếp không giải quyết cái này đầu, tự xử đi”, mình không cảm giác bị cái gì đó chặn lại không dám chạy qua bàn sếp. Sếp luôn ở đó để mình có thể hỏi và chia sẻ bất cứ lúc nào.
Không chỉ tận tình hỗ trợ trong công việc, sếp mình cũng rất nhiệt tình trong các hoạt động khác của team như tổ chức đào tạo, khích lệ mọi người làm dự án cá nhân, duyệt rất kỹ các chương trình đi chơi, đi bonding, lại còn tự tay thiết kế áo chạy và nhiều sản phẩm khác cho team nữa,... Mọi thứ được làm rất chỉn chu, xịn nữa là đằng khác, vì sếp mình coi thành viên là những “Khách hàng nội bộ”, cũng cần được chăm sóc và tập trung như là khách hàng của mình. Sếp mình rất quan tâm đến chuyện học hành của team, đến sự phát triển cá nhân của mỗi người. Có lần sếp nói với mình là “Cái mà anh luôn làm đấy là đẩy các bạn vượt qua giới hạn của mình.”
Thứ ba, trao quyền quyết định cho nhân viên
Ở trường hợp của mình, nhiều khi mình cảm nhận được thứ mình đang làm là do bản thân đề xuất, tự lên kế hoạch tự triển khai tự đánh giá tự tối ưu, chứ không phải công việc từ trên giao xuống. Sếp mình cung cấp sự hỗ trợ vừa đủ để các thành viên có thể tự làm tiếp công việc của mình chứ không nhảy vào làm thay. Sếp còn có hẳn một buổi training về Ownership trong công việc. Một lần nọ họp team, sếp mình hỏi một team leader là bao giờ thì bạn sẽ thôi nhảy vào deal của các thành viên để hỗ trợ. Mình hiểu rằng, những hành động của sếp là để giúp mọi người trở nên độc lập hơn, không bị phụ thuộc vào người khác, có đủ khả năng để làm chủ công việc của mình. Không gì tệ hơn một tổ chức mà ở đó, mọi thành viên bị động và phụ thuộc vào người lãnh đạo, làm gì cũng hỏi, cũng xin ý kiến, cũng đợi duyệt.
Thứ tư, giỏi chuyên môn và nhìn được bức tranh tổng thể
Đối với mình thì sếp mình giỏi trong chuyên môn của sếp, biết cách làm việc với con người và thấu hiểu insight khách hàng, nhìn được tổng quan thị trường, high-tech, học nhiều, động cái gì không biết là tự học, hay brainstorm (dù chữ ổng xấu ói), tổng hợp và hệ thống kiến thức. Nhờ vậy nên sếp mình xử lý được những câu hỏi, vướng mắc của các thành viên, giải thích được theo một cách hợp lý để mọi người thấy phục.
Rồi thì sếp mình nói về các giá trị cá nhân, như việc lựa chọn tử tế khi làm nghề, về việc minh bạch trong team và trong tổ chức, về việc luôn tránh để mình bị động ít nhất có thể,.... nói đi liền với làm. Mình thấy đây là một con người có giá trị cá nhân, hướng đến những điều tốt đẹp, có thể tin tưởng được.
Làm sếp khó lắm, phải đâu chuyện đùa. Sau này nếu mình làm sếp, mình sẽ cố gắng để tạo cho nhân sự cảm giác như những gì mình đã nhận được khi ở cạnh sếp mình bây giờ.